Bước vào mùa thu, không khí se lạnh là thời điểm thích hợp để thưởng thức các món lẩu. Nhất là trong những ngày mưa được ăn món lẩu riêu cua bắp bò nóng hổi thì con gì bằng.
Ngoài chuẩn bị nguyên liệu tươi thì khâu sơ chế cũng quyết định rất nhiều đến độ ngon của món này. Dưới đây là một số mẹo đơn giản khi sơ chế cua đồng và cách làm lẩu cua thơm ngon nhất:
Các bước làm:
- Cua đồng: 1kg, làm sạch, tách riêng phần mai ra rồi khều lấy gạch.
- Phần thân cua cho vào máy xay sinh tố, thêm nước. Mẹo nhỏ: Cho thêm vài hạt muối trắng, xay nhuyễn, lọc đi lọc lại thật kỹ, lấy nước đủ dùng. Thêm chút muối sẽ giúp thịt cua nấu lên dễ đóng váng thành tảng hơn và riêu cũng sẽ đậm vị hơn.
- Cho nồi nước cua lên bếp, đun nhỏ lửa khuấy nhẹ để cho thịt cua nổi dần lên. Khi nước gần sôi thì lấy muôi hớt phần thịt cua nổi ra bát riêng để lát cho lên nồi lẩu cho đẹp.
Chú ý: Canh lửa và không để thịt cua bị dính ở đáy nồi. Để cua nổi váng tuyệt đối không nấu lửa to, chỉ nấu lửa vừa, gần sôi lại hạ lửa nhỏ hẳn nấu chậm, cứ dùng đũa khuấy nhẹ ở đáy nồi lên là sẽ tự đóng tảng.
- Phần gạch: Phi thơm hành khô, cho gạch vào đảo thơm, xong cho lên bát riêu vừa múc ra. Thêm hành khô phi sẵn.
- Dùng thêm 1 chảo, phi thơm 2 củ hành khô thái mỏng, cho khoảng 4 - 5 quả cà chua to vừa vào đảo đều cùng chút nước mắm cho cà chua hơi nát (thêm chút nước). Cà chua sẽ tạo màu cho nồi nước lẩu trông hấp dẫn hơn.
Nấu nước dùng:
- Cho cà chua vào nồi nước riêu cua.
- Nêm thêm gia vị gồm giấm bỗng (nên có), mắm tôm, đường phèn, nước mắm cho vừa ăn. Có thể nêm hạt nêm hay mì chính tùy thói quen ăn uống của từng gia đình.
Bí quyết là: Mắm tôm tùy sở thích mọi người có thể cho vào ít nhiều hoặc không. Nhưng có mắm tôm sẽ đẩy vị của món lẩu riêu lên. Hoà tan mắm tôm trong nước, để lắng cho đến khi nước trong lại rồi nhẹ nhàng chắt phần nước trong này vào nồi nước dùng. Đảm bảo nước riêu cua ngọt lừ, thơm mà không hề nồng.
- Cho thêm ít hành lá thái nhỏ, hành khô phi sẵn.
Đồ ăn kèm:
- Đậu phụ thái miếng vuông nhỏ, chiên vàng các mặt.
- Bắp bò thái miếng mỏng, ướp cùng chút dầu ăn cho mềm.
- Bò viên.
- Rau ăn kèm: bầu, mướp hương, mồng tơi, rau thơm các loại, nấm… Có hoa chuối, thân chuối hay rau muống chẻ, rau rút càng ngon. Bày biện ra nồi ra đĩa vậy là thưởng thức thôi.