GD&TĐ - Sau thử nghiệm thành công tại một số trường học, mô hình giáo dục thông minh sẽ được nhân rộng tại Hà Nội.
Cô trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu sử dụng thiết bị thông minh trong quá trình dạy học. |
Sử dụng CNTT để thay đổi giáo dục
Giáo dục thông minh là mô hình sử dụng CNTT để thay đổi giáo dục với việc mở rộng thời gian, không gian, tài liệu học tập và phương pháp học tập. Vượt qua giới hạn của bài giảng trên lớp thông thường, xây dựng mô hình trường học thông minh là đòi hỏi của ngành GD-ĐT Hà Nội và bước đầu có những kết quả từ một số nhà trường.
Tại Trường THCS Chu Văn An (quận Long Biên), học sinh hào hứng với các giờ học môn Toán cùng sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh. Tại lớp học, giáo viên đã thực hiện tổ chức toàn bộ quá trình dạy và học trong một giờ dạy, bao gồm các hoạt động tương tác giữa thầy và trò thông qua việc sử dụng các thiết bị đã tích hợp trong phòng học thông minh.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết: Việc xây dựng lớp học thông minh, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều ưu điểm. Ví dụ như công nghệ mới thì việc tích cực hóa các hoạt động học tập của học sinh được chú trọng nhiều. Những thao tác như tự động điểm danh, khuyến nghị về cảm xúc người học giúp cho các thầy cô giáo tự điều chỉnh, thay đổi phương pháp cho phù hợp với học sinh.
Học sinh hào hứng học trên các thiết bị thông minh.
Tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng), học sinh hứng thú với tiết học Unit 3 My friend trong chương trình tiếng Anh lớp 6. Lớp học thông minh được thiết kế lấy người học làm trung tâm bàn ghế được bố trí để học nhóm cùng các nội dung tương tác với công nghệ như thực tế ảo với các công nghệ thực tế ảo 3D tạo sự hứng thú cho các em.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho hay, việc ứng dụng CNTT và trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy đã mang lại nhiều lợi ích. Trong trường học thông minh, các lớp học thông minh được kết nối với thư viện số thông minh cho phép học sinh xem lại bài giảng trên lớp ngay khi kết thúc bằng các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động PC.
Đặc biệt công nghệ trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ khuyến nghị cá nhân hóa cho từng học sinh dựa trên nhận diện khuôn mặt giúp các em có thể dễ dàng sử dụng thư viện mà không cần thẻ. Giáo dục thông minh và trường học thông minh sẽ góp phần tạo nên một thế hệ trẻ đáp ứng được các kĩ năng của thế kỉ 21 và nhu cầu nhân lực công nghệ cao cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Giờ học tiếng Anh trong phòng học thông minh của cô trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Nhân rộng mô hình
Thực hiện đề tài "Xây dựng và thí điểm mô hình giáo dục thông minh đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở thành phố Hà Nội", Sở GD&ĐT Hà Nội đã lựa chọn 5 trường để thí điểm gồm: Mầm non B (quận Hoàn Kiếm), Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng), THCS Chu Văn An (quận Long Biên), THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng.
Trong quá trình triển khai, nhóm chuyên gia đã nghiên cứu nền tảng giáo dục thông minh trên thế giới, những lý thuyết, bài học kinh nghiệm, sau đó đưa ra mô hình và áp dụng cụ thể vào từng trường từng cấp học khác nhau, bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, các thiết bị tương tác, máy tính bảng, màn hình tương tác, thiết bị thực tế ảo, sản xuất các nội dung 3D thực tế ảo.
PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng - chuyên gia đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng nhóm chuyên gia thực hiện đề tài chia sẻ: Hạt nhân của trường học thông minh là lớp học thông minh. Trong lớp học thông minh có các thiết bị thông minh như màn hình tương tác, máy tính bảng. Đặc biệt là phần trí tuệ nhân tạo cho phép nhận diện khuôn mặt, đánh giá cảm xúc của học sinh, đánh giá hiệu quả truyền đạt của giáo viên.
Làm rõ hơn về những ưu điểm của lớp học thông minh, ông Hùng cho biết, Thứ nhất là hạ tầng cao cấp, mạng tốc độ cao cho phép hơn 50 máy tính bảng cùng kết nối. Thứ hai là màn hình tương tác thế hệ mới cho phép giáo viên viết vẽ, kết nối với các máy tính bảng trong hệ sinh thái thống nhất. Kết quả làm bài của học sinh được gửi ngay cho giáo viên, giúp tăng tính tương tác.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cùng nhóm chuyên gia tham quan lớp học thông minh tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Đặc biệt là phần trí tuệ nhân tạo được tích hợp giúp tự động đo cảm xúc trung bình của lớp học, đo cảm xúc của từng học sinh, giúp cô giáo biết được em nào đang hứng thú học tập, học sinh đang trong tình trạng thế nào, từ đó điều chỉnh phương pháp truyền đạt để học sinh lúc nào cũng cảm thấy hứng thú với bài học.
Lớp học thông minh còn có chức năng tự động chuyển đổi thành tư liệu số, biến toàn bộ bài giảng bao gồm màn hình giáo viên, camera học sinh, camera giáo viên thành một quyển sách video để tải lên thư viện. Sau giờ học, học sinh có thể mở ra học lại. Điều này giúp học sinh nắm vững bài học, đồng thời giúp học sinh vắng mặt cũng có thể tiếp thu bài giảng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, chủ nhiệm đề tài "Xây dựng và thí điểm mô hình giáo dục thông minh đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở thành phố Hà Nội" cho biết, mục đích của đề tài nhằm áp dụng chuyển đổi số cho tất cả các cấp học Hà Nội, từ mầm non đến phổ thông.
Nhóm chuyên gia thực hiện đề tài đã làm việc nghiêm túc nhằm xây dựng mô hình phù hợp với giáo dục Hà Nội, dựa trên các kết quả khảo sát hiện trạng các trường học Hà Nội, cùng các nghiên cứu của thế giới. Sau thí điểm thành công tại các nhà trường, Đề tài dự kiến sẽ được nghiệm thu vào tháng 11 tới. Sau đó Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức tổng kết để nhân rộng mô hình.
Tin liên quan Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy và học Tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo AI trong dạy học và quản trị nhà trường Hỗ trợ giáo viên ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy