Bánh trung thu đại hạ giá: Có phải “tiền nào của ấy”?

12/10/2023 10:33

Sau mỗi dịp Tết trung thu, những sạp bán bánh nướng, bánh dẻo đại hạ giá lại tràn ngập vỉa hè Hà Nội với giá chỉ từ 10.000 đến 35.000 đồng/chiếc để trả lại mặt bằng và bánh cũng hết hạn.

Do đó, các sạp bánh trung thu vỉa hè "mọc lên như nấm" và đồng loạt treo biển "đại hạ giá", "xả lỗ", "mua một tặng bốn" nhằm thu hút người mua.

Tuy nhiên, liên quan đợt xả hàng sau ngày Tết Trung thu, các chuyên gia cho rằng hiện nay thị trường bánh trung thu nói chung khá loạn về chất lượng nên cần hết sức cẩn trọng khi mua về sử dụng.

Bánh trung thu đại hạ giá: Có phải “tiền nào của ấy”?

Một sạp bánh trung thu vỉa hè ở Hà Nội đã được tiêu thụ gần hết

Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, để sản xuất ra một chiếc bánh trung thu, đặc biệt là các loại có nhân thập cẩm sẽ có rất nhiều nguyên liệu khác nhau như bột mỳ, đường, trứng, thịt, xúc xích, lạp sườn...

Theo chuyên gia dinh dưỡng nếu như sản xuất bánh không đảm bảo vệ sinh có thể là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển, gây hại cho sức khoẻ. Khi sản xuất bánh trung thu cần phải tuân thủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, nhà xưởng, nguyên liệu, hạn sử dụng rõ ràng…

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, khi mua bánh trung thu cần mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Do điều kiện môi trường, khí hậu tại Việt Nam nóng, ẩm, nhiều khói bụi… nên bánh dễ bị ô nhiễm, hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường xuất hiện các loại bánh trung thu giá rẻ, cần cảnh giác với các yếu tố độc hại có thể có như chất bảo quản, phẩm màu độc hại, hư hỏng bên trong.

Bánh trung thu đại hạ giá: Có phải “tiền nào của ấy”?

Trên các chợ online bánh trung thu xả hàng cũng diễn ra sôi nổi. Một tài khoản Facebook quảng cáo bánh của mình bóc từ các hộp cao cấp và được giảm giá tới 80-90% so với giá gốc (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhận định, người dân thường có nhu cầu và tâm lý chờ bánh trung thu hạ giá để mua.

Theo chuyên gia, giá bánh trung thu tăng dần theo từng năm, kinh tế bị ảnh hưởng, nên "kén" người mua. Hết vụ cao điểm, mức giá này trở về sát thực tế, người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ hơn.

"Dù hạ giá, tiểu thương hay đại lý vẫn sẽ thu được lợi nhuận hơn là trả hàng về nhà sản xuất. Nhiều người tiết lộ "làm một vụ, ăn cả năm" là vì thế", PGS.TS Đỗ Minh Cương nói.

Ông khuyến cáo người tiêu dùng không nên ham rẻ mà đổ xô mua bánh trung thu "hết date", không rõ nguồn gốc, không rõ thương hiệu.

"Người dân cần soi kỹ hạn sử dụng, tránh nguy cơ bị ngộ độc hoặc gặp các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này cũng phụ thuộc vào đạo đức của người kinh doanh. Các tiểu thương, đại lý nên cảnh báo khách hàng về hạn sử dụng, không cố bán bất chấp", ông Cương cho hay.

Trước đó, vào cuối tháng 8, theo nhận định của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, bánh trung thu có lợi nhuận rất cao nên đã xuất hiện một số cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất.

Do đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dung nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, mua các sản phẩm thực phẩm ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Không sử dụng sản phẩm hỏng, mốc hoặc có dấu hiệu lạ. Ngoài ra, sản phẩm mua về phải được bảo quản theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thúy Ngà

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Bánh trung thu đại hạ giá: Có phải “tiền nào của ấy”? - Sức Khỏe