Nhiều người húng hắng ho cũng nghĩ mình bị hậu Covid-19

07/04/2022 08:32
Tôi bị hụt hơi, khó thở sau khi khỏi Covid-19 nhưng vẫn bình tĩnh luyện tập phục hồi, trong khi nhiều người mới húng hắng ho đã loạn cả lên.

"Hậu Covid" có lẽ là chủ để đang khiến nhiều người Việt trăn trở nhất lúc này, không một lượng lớn người nhiễm khỏi bệnh sau đợt bùng phát diện rộng vừa qua. Nỗi lo lắng không biết mình có bị hậu Covid-19 hay không khiến nhiều người luôn ở trong trạng thái lo lắng không yên.

Tâm lý sợ hãi những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra vô tình đẩy nhu cầu thăm khám của người dân tăng lên chóng mặt, gây quá tải cục bộ tại các cơ sở y tế. Đồng thời, nó cũng khiến nhiều người tốn kém một khoản chi phí lớn cho việc khám chữa và điều trị hậu Covid-19.

Bản thân tôi cũng là một người vừa bình phục sau khi nhiễm Covid-19. Ngay cả khi sau tiêm vaccine và sau khi trở thành F0, tôi đều có cảm giác bị hụt hơi trong lồng ngực, tập thể dục rất mau xuống sức, thường xuyên thở dốc, tim đập thình thịch. Lúc trước, tôi thường tập thể thao đều đặn khoảng hơn một tiếng đồng hồ mỗi ngày, vẫn giữ sức rất đều đặn, nên biết lý do sức khỏe bất thường của mình có liên quan đến Covid-19.

Tuy nhiên, thay vì hoang mang, lo lắng, tôi bình tĩnh giữ sức, chịu khó tập luyện chậm lại, nâng cường độ lên từ từ, tích cực tập hít thở đều và sâu. Sau một thời gian, đến giờ, tôi đã thấy sức khỏe của mình trở lại như trước lúc nào không biết. Dù không dám chắc đạt bằng 100% như lúc trước khi bị Covid-19, nhưng tôi rất mừng vì mình đã chủ động chế ngự được những di chứng sau khi nhiễm bệnh.

Đúng là những di chứng hậu Covid-19 là có thật. Và mỗi người, mỗi cơ địa sẽ có mức độ phản ứng, cách thức và thời gian phục hồi khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, bệnh do tâm lý chiếm một tỷ lệ khá nhiều trong thời kỳ hậu Covid này. Đang yên lành, tự dưng bị F0, một số người nghĩ mình lo lắng thái quá. Thậm chí, có người mới thấy húng hắng ho cũng tự gán ghép vào triệu chứng của hậu Covid, trong khi thực tế có thể là do thay đổi thời tiết, hoặc do sinh hoạt không chuẩn dẫn đến viêm họng, sổ mũi...

Điều này cũng giống như việc trước đây có rất nhiều người đổ xô đi mua đồng hồ thông minh để đo nồng độ oxy bão hòa trong máu. Thực tế, thiết bị nào cũng có mục đích sử dụng riêng của nó, nếu biết dùng đúng thì cuộc sống của bạn sẽ đơn giản và tối ưu hơn. Tôi có thể sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng mua cái đồng hồ automatic vỏ thép, chống nước với mục đích riêng của nó. Nhưng để đo SpO2, tôi chọn mua một chiếc máy đo chuyên dụng, nhỏ gọn với giá 800 nghìn đồng, thêm cái máy đo huyết áp khoảng một triệu đồng. Vậy là tôi có thể yên tâm theo dõi sức khỏe cho bản thân và cả gia đình. Đồng thời tôi cũng tự lên một kế hoạch luyện tập nâng cao sức khỏe cho riêng mình.

Đôi lúc, tôi cứ thắc mắc, tại sao người ta cứ tự khiến cuộc sống của mình trở nên phức tạp quá như vậy? Bỏ cả một số tiền lớn mua một cái smartwatch với những tính năng đo sức khỏe, canh giấc ngủ, đếm bước chân, ước lượng calories tiêu tốn... rồi cứ suốt ngày chăm chăm nhìn những con số đó, khỏe đâu không thấy mà có khi còn loạn thần kinh.

Tôi cho rằng, lạc quan sống cũng có thể khiến cho hệ miễn dịch của mỗi người tăng khả năng phòng, chống nhiều loại bệnh. Điều này đã được nhiều quan sát khoa học theo dõi, ghi nhận và kết luận. Bản thân tôi cũng thấy đúng như vậy.Hãy sống khỏe, sống vui, chú ý 5K, và học cách lắng nghe cơ thể của mình một cách khoa học, khách quan thay vì hoảng loạn, lo lắng thái quá rồi tự chuộc họa vào thân.

Theo vnexpress.net

Nhiều người húng hắng ho cũng nghĩ mình bị hậu Covid-19 - Thư Giãn