Chuyên gia: Quy mô gói phục hồi kinh tế có thể tới 666.000 tỷ

05/12/2021 08:35
Quy mô gói phục hồi kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, khoảng 5,5-8% GDP, tức khoảng 445.760-666.000 tỷ đồng.

Con số quy mô gói phục hồi kinh tế khoảng 5,5% GDP được TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đại diện cho nhóm nghiên cứu Thường trực Uỷ ban Kinh tế và chuyên gia nêu tại diễn đàn kinh tế đang diễn ra sáng nay (5/12). Đây là Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia cho gói phục hồi kinh tế xã hội.

Theo ông Lực, sau 4 đợt dịch, kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ U, chứ không phải chữ V. Để phục hồi thời gian qua, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô khoảng 4% GDP (gói tài khóa 2,9% và gói tiền tệ 1,1%). Mức này thấp hơn so với các nước.

Về dài hạn, theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nguồn cung vaccine chưa chắc chắn, những khó khăn của người dân, doanh nghiệp vẫn hiện hữu khi chi phí sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh đều tăng. Và sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron ngoài tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Dự báo năm 2022, GDP Việt Nam tăng 4-4,5%; lạm phát 3,4 - 3,7% (từ mức 2% năm 2021).

"Nếu không có chương trình hỗ trợ đặc biệt, không có gói kích thích tài khoá, tiền tệ, Việt Nam sẽ lỡ cơ hội, tụt hậu và không đạt mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm", ông Lực nói.

Kinh nghiệm các nước khi xây dựng gói phục hồi kinh tế thường dựa vào chính sách tài khoá, tiền tệ. Cả hai trụ cột này, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng có dư địa, nhất là tài khóa.

Chuyên gia: Quy mô gói phục hồi kinh tế có thể tới 666.000 tỷ

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Lực phân tích, hiện thâm hụt ngân sách và nợ công được kiểm soát tốt hơn giai đoạn trước và trong ngưỡng an toàn. Quy mô hỗ trợ tài khoá (gần 3% GDP) vừa qua còn khá khiêm tốn. Các cân đối lớn và cơ cấu lại nợ công thời gian qua tạo không gian chính sách để duy trì mở rộng giai đoạn 2022 - 2023.

Về chính sách tiền tệ, dư địa hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng còn nhưng không nhiều do lãi suất ở mức thấp trong vòng 20 năm qua và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát ở mức cao, nhất là năm 2022 trong khi một số nước trên thế giới bắt đầu thu hẹp nới lỏng định lượng và tăng lãi suất... Dù vậy, vị chuyên gia này nhấn mạnh, cần biện pháp gián tiếp, trực tiếp để ngân hàng có thể giảm lãi suất 0,5-1%.

Tổng tất cả chính sách về tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác, theo ông Lực, quy mô danh nghĩa công bố gần 844.000 tỷ đồng, nhưng thực chi khoảng 445.760 tỷ đồng, tương đương 5,5% GDP năm 2021. Mức này, ông Lực nói "đủ sức hấp thụ trong thời gian tới".

Ông lấy ví dụ về giãn, hoãn thuế 6 tháng, sau thời gian này doanh nghiệp, người dân vẫn phải trả lại Nhà nước khoản thuế được giãn, hoãn. Và Nhà nước không tính lãi trong khoảng thời gian giãn, hoãn thuế này. Nên số công bố danh nghĩa giãn, hoãn thuế chẳng hạn là 200.000 tỷ đồng, thì giá trị thực chi chỉ là 2.000 tỷ đồng.

Tổng tất cả chính sách về tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác, theo ông Lực, quy mô thực chi của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế khoảng 445.760 tỷ đồng, tương đương 5,5% GDP năm 2021. Mức này, ông Lực nói "đủ sức hấp thụ trong thời gian tới".

STT Chính sách hỗ trợ Giá trị tuyệt đối (tỷ đồng) %GDP 2021
1 Tài khoá 383.200 4,71
2 Tiền tệ 6.100 0,08
3 An sinh xã hội 12.800 0,16
4 Chính sách khác 37.650 0,46
5 Đầu tư của SCIC vào doanh nghiệp 6.000 0,07

 

"Chính sách tác động cả tổng cung, tổng cầu do cung tắc nghẽn. Khả thi và triển khai nhanh, gọn hiệu quả và phối hợp tốt với các chương trình hỗ trợ khác để tạo thành tổng lực", ông Cấn Văn Lực lưu ý.

Trong khi đó, theo tính toán của nhóm chuyên gia Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, quy mô chương trình tổng thể phục hồi kinh tế 6-8% GDP 2020.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, Việt Nam đang "lệch nhịp" với tăng trưởng, nên cấp thiết cần có một gói hỗ trợ phục hồi đủ lớn về quy mô, đủ mạnh để hỗ trợ cả phía cung và cầu. Các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng phải gắn với chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.

Cụ thể, theo ông Tuấn, chương trình phục hồi kinh tế tổng thể 2 năm tới (2022 - 2023) khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương 8% GDP 2020. Trong đó gói hỗ trợ hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng; gói củng cố hệ thống an sinh xã hội 58.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ doanh nghiệp 244.000 tỷ và gói đầu tư công 288.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia đều cho rằng, nên tập trung vào hỗ trợ đối tượng người lao động, doanh nghiệp và "giải ngân" trong 2 năm tới. Thâm hụt ngân sách khi thực hiện các gói hỗ trợ này sẽ tăng khoảng 1 điểm % mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023. Các nguồn lực huy động có thể là tiết giảm chi phí, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, phát hành trái phiếu Chính phủ. Thậm chí, ông Lực nhấn mạnh, Chính phủ có thể rà soát các quỹ ngoài ngân sách hay sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần.

Phát biểu mở đầu trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc lại mục tiêu duy trì phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải bám vào mục tiêu dài hạn, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, cả về kinh tế, môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ông yêu cầu bàn kỹ cách để đưa vốn vào đâu cho hiệu quả, minh bạch, chống lợi ích nhóm và không chỉ huy động nguồn lực từ Nhà nước mà cho phép tìm kiếm các không gian tài chính, dư địa tài chính mới.

Theo vnexpress.net

Chuyên gia: Quy mô gói phục hồi kinh tế có thể tới 666.000 tỷ - Xã Hội